Cách nhận biết và phòng tránh bệnh lao phổi

1294

Bệnh lao phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm do khó điều trị và có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao từng ngày. Đọc bài viết dưới đây của danonghiendai để tìm hiểu thêm thông tin nhé!

1. Bệnh lao phổi là gì ?

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây nên. Trong nhiều trường hợp, trực khuẩn lao sẽ ở trạng thái không hoạt động trước khi tiến triển thành bệnh lao hoạt động. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến phổi và là thể có thể lây truyền, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ cơ quan bao gồm các hạch bạch huyết, hệ thần kinh trung ương, gan, xương, tiết niệu sinh dục và đường tiêu hóa.

Cách nhận biết và phòng tránh bệnh lao phổi
Cách nhận biết và phòng tránh bệnh lao phổi

2. Các thể của bệnh lao phổi

Được chia thành 2 thể chính là lao phổi và lao ngoài phổi

  • Lao phổi là dạng thể lao thường xuyên gặp nhất, chúng chiếm tới 80% trường hợp bị mắc lao. Đây là những người bệnh khi xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao là nguồn lây truyền cho người bệnh xung quanh.
  • Lao ngoài phổi có thể gặp như: lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp, lao hệ sinh dục. Những người bị lao ngoài phổi không có nguy cơ lây bệnh cho người khác.

3. Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Vi khuẩn Mycobacterim tuberculosis (MTB) là nguyên nhân chính gây bệnh lao phổi và lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh lao phổi không di truyền.

Yếu tố thuận lợi

  • Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh.
  • Tiếp xúc với người bệnh lao phổi hoặc các chất thải chứa vi khuẩn lao có thể bị lây nhiễm.
  • Sử dụng thực phẩm chứa vi khuẩn lao, ăn vật nuôi bị nhiễm lao cũng có thể bị nhiễm lao.

Yếu tố rủi ro

Hệ miễn dịch suy yếu

Người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao bị vi khuẩn lao phổi hoạt động. Ví dụ, người bệnh HIV khó kiểm soát vi khuẩn lao hơn nên có nguy cơ mắc bệnh lao phổi cao hơn 20 – 30% so với người không bị HIV.

Hút thuốc lá

Theo thống kê khoảng 8% các trường hợp bệnh lao trên toàn thế giới có liên quan đến hút thuốc lá.

Mắc một số bệnh lý khác

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh ung thư
  • Suy dinh dưỡng
  • Bệnh thận
  • Ngoài ra, những người đang điều trị ung thư, sử dụng chất kích thích, ma túy có nguy cơ bị bệnh lao phổi cao hơn.

4. Dấu hiệu của bệnh lao phổi

Ho

Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

Ho ra máu

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi – phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).

Gầy, sụt cân

Gầy, sụt cân là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.

Ra mồ hôi

Ra mồ hôi là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

Khạc ra đờm

Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.

Đau ngực, khó thở

Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.

Chán ăn, mệt mỏi

Chán ăn, mệt mỏi là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này.

5. Biến chứng của bệnh lao phổi

Giãn phế quản

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao sẽ phá huỷ mô phổi và ngăn chặn tổ chức xơ phát triển, lâu ngày sẽ khiến phế quản bị tổn thương và biến dạng. Đây là biến chứng của lao phổi ở người lớn rất thường gặp và thậm chí còn có thể xảy ra với cả trẻ em, gây tổn thương ngay trong lòng phế quản. Khi mạch máu ở phế quản dãn ra quá nhiều, người bệnh có thể bị ho ra máu lẫn trong đờm, máu ra nhiều và kéo dài. Trong số các biến chứng lao phổi, giãn phế quản là biến chứng rất nguy hiểm và có thể gây tử vong.

Xơ phổi

Khi tế bào phổi bị khuẩn lao tấn công sẽ hình hình sẹo dù có được chữa khỏi hay không, sẹo đó gọi là xơ phổi. Thông thường, khối xơ ít gây tổn hại cho phổi. Tuy nhiên nếu có kích thước quá lớn, xơ phổi sẽ gây ra di chứng lao phổi nặng khiến bệnh nhân không trao đổi khi được, dẫn tới không thể hô hấp như bình thường.

Suy hô hấp mạn tính

Một biến chứng của bệnh lao phổi khác là suy hô hấp mãn tính. Nếu đã mắc bệnh lao quá nặng, mô phải phải chịu quá nhiều tổn thương tới mức không thể phục hồi thì dù đã được chữa khỏi bệnh, người bệnh vẫn phải chịu di chứng rất nặng nề. Lúc này, phổi bị xơ hoá nhiều và không thể trao đổi khí được, khiến bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính.

Tràn khí màng phổi

Đây là một trong những biến chứng lao phổi nặng, khiến bệnh nhân suy hô hấp nên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Những tổn thương do khuẩn lao dạng bóng khí hình thành tại sát bên màng phổi bị vỡ sẽ khiến không khí tràn vào khoang màng phổi, khiến bệnh nhân đột ngọt cảm thấy đau ngực, khó thở và dẫn đến suy hô hấp cấp gây nguy hiểm tới tính mạng. Với biến chứng này, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay bằng cách dẫn lưu khí ra khỏi khoang màng phổi, nếu tình trạng vẫn không cải thiện buộc phải phẫu thuật để bịt lỗ thủng lại.

U nấm phổi Aspergillus

Khi khuẩn lao tấn công và gây tổn thương mô phổi, chúng sẽ tạo nên những vùng phổi rỗng lớn nhỏ khác nhau gọi là hang lao. Biến chứng của lao phổi ở người lớn lúc này xuất hiện khi các hang lao quá lớn, tạo điều kiện cho nấm Aspergillus fumigatus xâm nhập rồi bám vào thành hang để sinh sôi phát triển, dần dần hình thành u nấm trong phổi. Khi u nấm có kích thước ngày càng lớn và khiến người bệnh ho ra máu, chúng dễ được phát hiện hơn và cần phải cắt bỏ hoàn toàn để bảo vệ sức khoẻ của bệnh nhân.

6. Cách điều trị bệnh lao phổi

Chuẩn đoán bệnh lao phổi

Ngoài các triệu chứng bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm:

  • Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB
  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF (nếu có thể)
  • Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao
  • X-quang phổi

Phương pháp điều trị bệnh lao phổi

  • Phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc trị lao. Các thuốc chống lao thiết yếu là: isoniazid, rifampicin, ryrazinamid, streptomycin, ethambutol.
  • Thuốc chống lao hàng 2: kanamycin, amikacin, capreomycin; nhóm fluoroquinolones (Levofloxacin, Moxifloxacin, Gatifloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin) và một số thuốc khác.
  • Các phác đồ điều trị lao được phân ra điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể.

7. Các phòng chống bệnh lao phổi

  • Cho trẻ tiêm BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa bệnh lao. 
  • Bệnh nhân lao phổi không được khạc nhổ bừa bãi, ho hay hắt hơi đều phải lấy tay hoặc khăn giấy che miệng lại, khi bệnh đang phát triển cần được ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; áo quần, chăn màn hàng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt.
  • Cần giữ nơi ở thoáng khí, đầy đủ ánh sáng, tránh làm việc quá sức, rèn luyện thân thể, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khi có các biểu hiện nghi bị nhiễm lao phải đi khám bệnh ngay.
  • Bỏ ngay thuốc lá và rượu bia nếu có thể để các biện pháp phòng chống bệnh lao phổi phát huy hiệu quả và giúp nâng cao sức khoẻ của bạn hơn.
  • Người có triệu chứng bệnh lao cần chú ý mang khẩu trang khi sinh hoạt với gia đình, không dùng chung bát đũa đồ dùng cá nhân với người có các triệu chứng bệnh lao.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin cho độc giả về nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng, phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh lao phổi hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.