Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản

1301

Trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam  vậy đâu là nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh của căn bệnh này. Đọc bài viết dưới đây của danonghiendai để tìm hiểu thêm thông tin nhé!

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng. 

Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản

2. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Dạ dày được ví như “cái thùng”, còn cơ thắt thực quản dưới (bộ phận ngăn giữa dạ dày và thực quản) được hiểu là “nắp đậy”.

Thông thường khi nuốt thức ăn, thực quản sẽ mở ra và sau đó sẽ đóng lại để ngăn không cho thức ăn trào ngược lên. Với cơ chế như trên, nguyên nhân trào ngược dạ dày xuất hiện khi xuất hiện “nắp yếu” hoặc “thùng đầy”.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày do “nắp yếu”:

Một số nguyên nhân dẫn đến cơ thắt thực quản dưới bị tổn thương gây trào ngược như:

  • Tác dụng phụ của thuốc Tây: Holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen và các loại thuốc huyết áp…
  • Thói quen xấu là nguyên nhân gây bệnh: dùng cafein, rượu, thuốc lá,…
  • Bệnh lý dẫn đến trào ngược gồm: tổn thương hệ thần kinh ở thực quản, nhiễm trùng hoặc di truyền…

Nguyên nhân trào ngược dạ dày do “thùng đầy”

“Thùng đầy” là hiện tượng dạ dày bị suy giảm chức năng, quá tải không thể tiêu hóa và tống thức ăn xuống đến ruột non. Một số nguyên nhân trào ngược dạ dày do “thùng đầy” phải kể đến như:

  • Bệnh lý dạ dày: Một số bệnh lý như viêm, phù nề, xước trợt, ung thư hoặc hẹp hang môn vị dạ dày hay thực quản… được coi là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày.
  • Thói quen xấu: ăn uống quá nhiều, sử dụng thực phẩm đầy hơi khó tiêu (nước có ga, đồ ăn nhanh, đồ ăn cay, chocolate, trứng…) cũng là nguyên nhân trào ngược dạ dày phổ biến.
  • Ngoài ra một số nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản khác ví dụ như: béo phì, mang thai, stress, nằm xuống ngay sau khi ăn…

3. Dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản

  • Ợ nóng, ợ lên đồ ăn, hoặc ợ ra acid trong khi ngủ hoặc lúc sáng dậy
  • Hôi miệng
  • Trào ngược thức ăn (khi nằm xuống)
  • Khô miệng, đắng miệng
  • Thấy khó chịu trong cổ họng cảm giác khô khô và như có một mẩu thức ăn nằm ở đó.
  • Đau ngực
  • Ăn khó nuốt
  • Cảm giác buồn nôn, như sắp nôn
  • Sáng dậy hay có cảm giác sót ruột nếu đêm qua bạn thức khuya
  • Ho khan kéo dài và dai dẳng, thường thì dễ nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Và trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp các y bác sĩ nhầm lẫn trào ngược dạ dày – thực quản với các bệnh lý về đường hô hấp do đó điều trị trong thời gian dài mà không khỏi. Sau khi ho kéo dài rất dễ dấn đến khò khè và bị nhầm lẫn với hen phế quản

4. Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Viêm hệ thống hô hấp

Chỉ một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Triệu chứng thường gặp là ho kéo dài. Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Đây là hậu quả của tình trạng dịch axit ở dạ dày trào vào vùng hầu họng. Gần đây, các nhà khoa học cũng chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những người bị bệnh GERD và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai…

Ung thư thực quản

GERD dẫn đến Barrett thực quản và gây ra ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đối với căn bệnh vốn được coi là “thông thường” này. Ung thư thực quản thường gặp ở người trên 50 tuổi. Kèm với các triệu chứng như nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên. Sau một thời gian mắc bệnh thì toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút > 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng. Da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ. Mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.

Hẹp thực quản

Một biến chứng khác của GERD là viêm thực quản rồi dẫn đến loét, hẹp thực quản. Dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Do vậy GERD còn có tên khác là viêm thực quản trào ngược. Biến chứng có thể làm người bệnh gặp các hệ quả như: khó nuốt, nuốt đau , đau ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản.

Barrett thực quản

Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống. Biến chứng nặng nề nhất là “Barrett thực quản”. Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với acid dạ dày. Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ của những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành Barrett thực quản. Tuy nhiên, sự biến đổi của tế bào trong bệnh Barrett thực quản là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản. Đây là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản.

5. Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Để chữa trào ngược dạ dày, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và hạn chế các thực phẩm mang tính chua và béo. Bạn cũng cần tránh các loại thuốc như aspirin vì chúng có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn. Ngoài ra, một số loại thuốc trào ngược dạ dày cũng có tác dụng giảm axit như:

  • Thuốc ức chế thụ thể H2 (như Ranitidine hoặc Famotidine): ngăn ngừa hoặc ức chế sự tiết axit dạ dày. Các loại thuốc này có thể được sử dụng trước khi ăn để ngăn ngừa ợ nóng
  • Thuốc ức chế bơm proton – PPIs (như Omeprazole): cũng có tác dụng ức chế dạ dày tiết axit và có tính hiệu quả cao hơn thuốc ức chế thụ thể H2 và các loại thuốc kháng axit khác.
  • Trong những trường hợp kháng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định bạn gặp bác sĩ phẫu thuật để thực hiện một ca phẫu thuật gọi là phẫu thuật thắt đáy vị để tăng cường sức mạnh của cơ vòng dưới của thực quản.

Đối với các triệu chứng nhẹ, bạn có thể sẽ không cần khám bác sĩ vì các triệu chứng này sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bạn gặp phải ngày một nặng hơn hoặc bạn bị tái phát trào ngược thực quản, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh qua các phương pháp sau:

  • Nội soi dạ dày thực quản
  • Chụp X-quang dạ dày – tá tràng
  • Đo áp lực thực quản
  • Đo độ pH của thực quản trong vòng 14 giờ.

6. Phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản

Giữ cân nặng ở mức hợp lý

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hầu hết bị mắc ở những người bị bệnh béo phì, lượng mỡ trong cơ thể nhiều. Những người béo phì thì cân nặng của cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày khiến dạ dày co bóp không nhịp nhàng dẫn đến hiện tượng trào ngược.

Lưu ý về giấc ngủ

Đối với những người bị trào ngược thì tuyệt đối không được nằm ngủ ngay sau khi ăn , đợi khoảng 3 đến 4 tiếng mới nên đi ngủ vì lúc này thức ăn đã được tiêu hóa hết và ở trọng lượng bình thường thì dịch vị dạ dày có chứa axit không trào ngược lên phần thực quản được.

Khi ngủ nên nâng cao đầu giường khoảng 30 độ điều này có thể giúp lực hấp dẫn ngăn ngừa axit trào ngược lên, đặc biệt hiệu quả vào ban đêm. Những người nằm ngủ ngang bằng mà không kê phần đầu lên cao hơn dạ dày thì sẽ khiến dạ dày và thực quản ngang bằng nau, dịch vị sẽ dễ dàng tràn vào thực quản và ở lại đó rất lâu.

Không sử dụng các thực phẩm có khả năng gây ra trào ngược

Thực phẩm chứa quá nhiều chất béo

Các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn như: Gà rán, khoai tây chiên, piza, các đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, đồ ngọt như bánh, kẹo, sô cô la, các loại chất có chứa kích thích mạnh như đồ uống có cồn, đồ uống có ga hoặc caffeine.

Các loại thực phẩm có tính axit nhiều

Đặc biệt là các loại trái cây có chứa nhiều axit như khế, chanh, cam, bưởi các thực phẩm dễ sinh axit. Khi ăn vào có thê gây dư axit trong dạ dày tạo điều kiện cho bệnh trao ngược có cơ hội tái diễn.

Thức ăn cay

Các thực phẩm có tính cay nóng nhiều chất kích thích dạ dày tiết axit dịch vị như: Tiêu, ớt, tỏi, mù tạt…

Nói không với các chất kích thích

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy đồ uống có chứa chất kích thích mạnh như rượu bia, trà đặc, cà phê và người nghiện thuốc lá có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới dẫn đến trào ngược. Ngoài ra nước bọt trong khoang miệng cũng bị ảnh hưởng nên việc trung hòa axit trên thực quản không được hiệu quả.

Các chất này còn kích thích mạnh khiến dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị hơn bình thường, lượng axit dư nhiều thì trào ngược càng dễ xảy ra.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin cho độc giả về nguyên nhân, dấu hiệu, và phương pháp điều trị và cách phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.