Biểu hiện, tác hại và cách phòng tránh bệnh HIV

1387

HIV là căn bệnh thế kỉ có thể dễ dàng cướp đi tính mạng của người bệnh mà cho đến hiện nay y học vẫn chưa tìm ra thuốc giải. Đọc bài viết dưới đây của danonghiendai để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh HIV nhé!

1. Bệnh HIV là gì?

HIV là chữ viết tắt của virus gây AIDS bằng tiếng Anh Human-Immuno-Deficiency-Virus, có nghĩa là virus làm suy giảm miễn dịch ở người, ta quen gọi là virus SIDA. Nguồn gốc của nó hiện nay vẫn chưa xác định. Chỉ biết rằng có 2 loại Virus là HIV1 và HIV2. Cả hai đều gây bệnh cho người.

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, HIV tìm cách tấn công vào bạch cầu gây tàn phá hệ miễn dịch. Sau một thời gian, khi các bạch cầu bị tiêu diệt nhiều, khả năng chống đỡ với mầm bệnh bị giảm. Cơ thể sẽ bị mầm bệnh tấn công sinh ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm dẫn đến cái chết.

Biểu hiện, tác hại và cách phòng tránh bệnh HIV
Biểu hiện, tác hại và cách phòng tránh bệnh HIV

2. Triệu chứng của bệnh HIV

Sốt và ớn lạnh

Sốt nhẹ – 37o5 đến 38o3 – kèm theo ớn lạnh là một trong những triệu chứng HIV phổ biến nhất mà bạn có thể nhận thấy. Cơ thể đang cố gắng để chống lại kẻ xâm nhập ngoại lai mà đáng lẽ không có, và trong trường hợp này là không hiệu quả.

Sốt thường kéo dài trong một hoặc hai tuần, nhưng nó có thể chỉ xuất hiện trong một ngày. Nếu có bất kỳ khả năng nào bạn có thể bị nhiễm, hãy đi xét nghiệm.

Thay đổi ở móng tay

Một dấu hiệu của nhiễm HIV muộn là những thay đổi về móng tay, chẳng hạn như bạn bị bệnh móng tay dùi trống (dày và cong móng), tách móng hoặc đổi màu, móng có đường màu đen hoặc màu nâu hoặc theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

Phát ban

Một số người trải qua các triệu chứng HIV nhận thấy phát ban đỏ nhạt trên khắp cơ thể, bao gồm cánh tay, thân và chân của họ – mặc dù nó có thể xuất hiện chỉ trong một hoặc hai chỗ.

Nó là một màu đỏ bao trùm, chứ không phải là những nốt sưng đỏ rời rạc. Nếu bạn đã từng bị phát ban do phản ứng thuốc, thì nó cũng giống như vậy.

Phát ban thường kéo dài ít nhất một tuần, và hầu hết bệnh nhân nói rằng nó không ngứa; đó là phản ứng với sốt cùng với đáp ứng viêm tự nhiên của cơ thể khi chống lại nhiễm trùng.

Cảm thấy buồn ngủ và đau nhức khắp người

Bạn có thể cảm thấy không thoải mái (và thực sự mệt mỏi) trong ít nhất một tuần sau khi bị nhiễm HIV.

Đó là một sự kiệt sức không ngừng – ngay cả việc đi làm hoặc sinh hoạt bình thường cũng rất mệt. Mọi thứ đều đau. Thật khó để cử động, và bạn không thể khiến mình dễ chịu. Cơ thể đang chống lại vi-rút HIV, và nó mệt.

Nhiễm nấm men

Nấm men là loại nấm hiển vi sống tự nhiên trong miệng và âm đạo. Tuy nhiên, khi bị nhiễm HIV, chúng phát triển không kiểm soát được, gây nhiễm nấm men. Lúc này, khả năng tự nhiên của cơ thể để chống lại các bệnh nhiễm trùng khác đang bị tấn công.

Luôn thức giấc đầm đìa mồ hôi vào ban đêm

Mướt mồ hôi vào một đêm nóng nực không có điều hòa nhiệt độ chắc chắn không giống như đổ mồ hôi ban đêm, khiến cho mồ hôi đầm đìa đến mức bạn muốn thay khăn trải giường. Đây là lúc cơ thể đang cố giải phóng độc tố.

Mặc dù HIV có thể gây đổ mồ hôi ban đêm, nhiều thủ phạm tiềm tàng khác cũng có thể, bao gồm mãn kinh, nhiễm trùng tăng bạch cầu mono, và ung thư như u lympho và bệnh bạch cầu. Vì vậy, nếu bạn thấy ga gối ướt sũng trong một vài đếm, thì chắc chắn cần đi khám bác sĩ.

Cổ họng rất đau

Đáp ứng viêm với nhiễm vi-rút nghiêm trọng cũng có thể làm cho cổ họng bị viêm, gây khó nuốt. Nhưng không giống như viêm họng liên cầu, bác sĩ sẽ không phát hiện thấy các mảng trắng, họng chỉ là bị đỏ và viêm giống như khi bị cảm lạnh.

Rất nhiều vi-rút ảnh hưởng đến cổ họng, nhưng nếu bạn lo lắng về HIV, tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ.

Sưng hạch cổ, nách và bẹn

Các hạch bạch huyết— nằm ở cổ, nách và bẹn — sản sinh các tế bào chống nhiễm trùng, và lúc này chúng đang phải gồng mình lên để chống chọi với sự tấn công trực tiếp từ HIV. Đó là lý do tại sao hơn một phần ba số người phơi nhiễm với vi-rút cho biết các hạch này to lên so với bình thường.

Nếu bạn cảm thấy có nhiều hạch bị sưng ở những vị trí khác nhau, đó chắc chắn là triệu chứng cần kiểm tra với bác sĩ.

Nhiệt miệng

Nhiệt miệng là những nốt loét mềm, tròn, lõm trên niêm mạc miệng – và chúng có thể do viêm khi cơ thể cố gắng chống lại HIV.

Chúng thường gây cảm giác đau nhức, và nhạy cảm hơn với các loại thực phẩm có tính axit như chanh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nốt loét này có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, như stress, dị ứng thực phẩm hoặc thay đổi nội tiết tố.

Chẩn đoán viêm màng não

Khi HIV phát tán qua hệ thần kinh trung ương, nó có thể gây viêm màng não do vi-rút, làm sưng lớp màng bảo vệ não và tủy sống. Theo CDC, các triệu chứng thường gặp của viêm màng não do vi-rút bao gồm sốt, kích thích, thờ ơ và nôn.

Sụt cân bất ngờ

Ở giai đoạn muộn hơn, HIV không được điều trị gây suy mòn, nghĩa là mất khối mỡ và cơ, vì vi-rút khiến bạn mất cảm giác thèm ăn và ngăn cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Mặc dù số cân nặng bị giảm sẽ khác nhau, nhưng sẽ đáng chú ý và thường xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Thường thì bạn bè và người thân sẽ nhận xét rằng bạn đang bị gầy đi. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị tốt với các loại thuốc hiện đại.

Tiêu chảy

Có khoảng 30% đến 60% người bị nhiễm HIV có triệu chứng buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy trong thời gian ngắn ở giai đoạn sớm của HIV. Những triệu chứng này cũng có thể là tác dụng phụ của việc điều trị kháng virus hoặc là do một nhiễm trùng cơ hội nào đó.

Rối loạn kinh nguyệt

Bệnh HIV trở nặng dường như làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như rút ngắn thời gian có kinh và ít kinh hơn. Tuy nhiên, những thay đổi này có thể ít nhiều do sụt cân và sức khỏe kém.

3. Tác hại của bệnh HIV

Ảnh hưởng về kinh tế

Số người nhiễm HIV chủ yếu ở lứa tuổi lao động. Khi nhiều người bị nhiễm HIV và bị chết vì AIDS sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của từng gia đình, cộng đồng và của đất nước. Chi phí cho công tác phòng chống AIDS sẽ rất tốn kém.

Ảnh hưởng về tâm lý xã hội

Mọi người sợ hãi dễ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử. Cuộc sống của gia đình có người bị nhiễm HIV hoặc bệnh AIDS sẽ trở nên căng thẳng, xuất hiện nhiều mâu thuẫn và dần tiến tới sự mất ổn định trong cuộc sống.

Ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống y tế

Phần nhiều hệ thống y tế bị quá tải, phát sinh các nguy cơ lây nhiễm HIV trong môi trường y tế. Thuốc đặc trị không có nhưng vẫn phải tiến hành việc điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS dẫn đến chi phí cho điều trị lớn nhưng không đạt hiệu quả, bệnh nhân vẫn tử vong.

HIV làm giảm tuổi thọ trung bình. Tăng tỷ lệ chết sơ sinh, tỷ lệ chết mẹ….. làm nảy sinh các vấn đề về trẻ mồ côi, bảo tồn nòi giống.

4. Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh HIV

Tránh uống rượu và sử dụng ma túy

Điều thứ hai bạn cần làm là tránh lạm dụng rượu và ma túy. Những chất này ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động của bạn, làm cho bạn dễ thực hiện những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV. Một số loại thuốc, như thuốc tiêm tĩnh mạch, cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV hơn vì những loại thuốc này tiếp xúc trực tiếp với máu.

Quan hệ tình dục an toàn

Quan hệ tình dục an toàn là quan hệ sử dụng bao cao su. Nếu bạn quan hệ tình dục với người bị nhiễm HIV, điều quan trọng là phải quan hệ tình dục an toàn và thường xuyên xét nghiệm HIV.

Nói chuyện với bạn tình hoặc đối tác của bạn về những bạn tình trước đây của cả hai. Hiểu được điều này có thể giúp đỡ cả hai bạn ngăn ngừa các rủi ro nhiễm HIV. Bạn có thể dùng thuốc kết hợp (tenofovir cộng với emtricitabine) mỗi ngày để giúp ngăn chặn lây nhiễm HIV. Loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ bị HIV, nhưng đắt tiền và dù bạn có dùng thuốc đi nữa thì bạn cũng phải quan hệ tình dục an toàn.

Không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm

Bơm kim tiêm có thể dễ dàng mang HIV từ người này sang người khác. Bạn không nên sử dụng các loại thuốc tiêm mà không do các cơ sở y tế cung cấp với dụng cụ đã được tiệt trùng đầy đủ.

Tránh chạm vào máu của người khác và chất dịch cơ thể khác

Bạn không bao giờ biết chắc được một ai đó có bị nhiễm HIV hay không. Do đó, tránh chạm vào máu của người khác nếu có thể và cũng tránh tiếp xúc với các chất dịch cơ thể khác có thể lây lan HIV. Những chất dịch cơ thể đó bao gồm:

  • Tinh dịch;
  • Dịch âm đạo;
  • Niêm mạc trực tràng;
  • Sữa mẹ
  • Dịch ối, dịch não tủy và chất hoạt dịch trong khớp gối.

Điều trị HIV khi bạn mang thai

Tất cả phụ nữ mang thai đều được xét nghiệm máu để kiểm tra xem họ có HIV không. Xét nghiệm này là một phần bắt buộc trong giai đoạn sàng lọc trước khi sinh. Nếu không được điều trị, HIV có thể truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh con hoặc cho con bú. Điều trị trong thai kỳ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho em bé.

Chuẩn bị cho mình một số kiến thức về HIV là cách tốt nhất để giúp bạn ngăn ngừa lây nhiễm HIV và giúp đỡ người bệnh sống khỏe, sống có ích. Nó cũng giúp bạn sống với những người nhiễm HIV một cách vui vẻ và an toàn.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin cho độc giả về triệu chứng, tác hại và cách phòng tránh lây nhiễm bệnh HIV hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.