Doanh nhân làm thịt chim quý đăng facebook khiến dư luận dậy sóng

1249

Tin mới: Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một doanh nhân làm thịt chim quý được đăng tải đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận.

Theo đó, chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet có post hình ảnh 2 con chim có hình dáng giống chim Hồng Hoàng đã vặt lông với lời nhắn: “Co ai nhau khong, thieu tay”. Qua xác minh, chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet này hiện là giám đốc của một doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM.

Doanh nhân làm thịt chim quý đăng facebook khiến dư luận dậy sóng
Doanh nhân làm thịt chim quý đăng facebook khiến dư luận dậy sóng

Được biết, Phượng Hoàng Đất là một loài chim rất quý thuộc diện bảo tồn đặc biệt. Người nào khai thác và săn bắn loài chim này có thể bị xử lý hình sự. Tại Việt Nam, loài chim này sinh sống chủ yếu tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Mỏ loài chim được rao bán trên thị trường có khi lên đến hơn 6000USD/kg, tương đương 130 triệu đồng/kg.

Ở Việt Nam giới nhà giàu, doanh nghiệp hay lùng săn động vật quý hiếm để ăn thịt, nấu cao như các loại cá quý hiếm, cao hổ, sừng tê giác, ngà voi… Thú chơi của các đại gia có tiền này đều bị cấm và lên án. Các tổ chức bảo vệ động vật hoanh dã đã từng cho biết Việt Nam là nguồn tiêu thụ lớn các loại động vật đứng trước nguy cơ tiệt chủng, tận diệt.

Theo đại diện IUCN, Phượng Hoàng Đất (danh pháp: Buceros bicornis) là thành viên to lớn nhất trong họ Hồng hoàng (Bucerotidae), sinh sống chủ yếu trong các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc.
“Bất kể tổ chức hay cá nhân nào xâm phạm đến loài chim này một cách phi pháp, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam vào cuộc xử lý.” – đại diện IUNC.

Ông Nguyễn Đại Phú – Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập xác nhận, loại chim xuất hiện trong hình ảnh đăng trên mạng xã hội là chim Hồng hoàng, sinh sống nhiều trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Đây cũng là loại chim quý nằm trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp. Do vậy, việc tận diệt chim quý trong sách đỏ cần bảo tồn là hành vi phạm pháp.

Ông Phú cho biết, sau khi những hình ảnh phản cảm trên được đăng lên mạng xã hội, lãnh đạo vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xác minh sự việc. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định sự việc không xảy ra trong khu vực này.

Sáng 27.11, ông Bạch Ngọc Tuấn ở huyện Củ Chi (TPHCM) xác nhận mình là chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet. Theo ông Tuấn, những bức ảnh ông đăng Facebook đúng là của ông, được chụp vào sáng 25.11 khi ông đi dự tiệc cưới một người thân ở Tây Ninh.

Trên đường đi dự tiệc, khi xe đến địa phận xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì ông Tuấn thấy người dân bán nhiều loài chim này, nên đã cầm 2 con đã bị vặt lông để chụp hình đưa lên mạng, trên tinh thần là “vui và sống ảo” chứ không có ý gì.

“Theo người dân nói đây là loài chim Cao Cát, tôi cũng không rành là chim Cao Cát là thế nào và chim Phượng Hoàng như dư luận nói là thế nào. Sau khi tôi đưa hình ảnh này lên mạng xã hội, thì không hiểu sao lại lan truyền chóng mặt, nhiều người chỉ trích nặng nề đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình” – ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cung cấp thêm thông tin, hiện trên tài khoản Facebook Tuan Kiet của ông đã gỡ tất cả hình ảnh liên quan đến 2 con chim này. Đồng thời, ông sẵn sàng làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để chứng minh mình không có ăn thịt chim quý như như dư luận nghi ngờ.

Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Phước cho hay bước đầu xác minh địa điểm ăn thịt chim không xảy ra trên địa bàn Bình Phước, 2 con chim này cũng không thực hiện săn bắn ở vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Theo anh Hưng – thành viên một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, giống chim bị giết thịt là Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng (bộ Sả).

“Cao cát bụng trắng hay còn gọi là Cao cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng hoàng (hay còn gọi là Phượng hoàng đất), nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng hoàng.

Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng, đuôi, cánh có đốm trắng, trong khi đó Hồng hoàng có lông dưới bụng màu đen”, anh Hưng cho biết.

Cũng theo anh Hưng, vì 2 con chim trong bức ảnh đã bị vặt lông nên không thể dựa vào màu sắc để phân biệt. Tuy nhiên, quan sát ở vùng má, bọng mắt và mỏ của chim có thể nhận ra điểm khác biệt.

2 con chim bị giết thịt có phần mũ ở trên hẹp và cao, phần mút mũ nhọn nhô ra phía trước. Ngoài ra, mỏ của Cao cát có màu vàng nhạt, chóp mũ có vệt đen.

Phần da trần quanh mắt của Cao cát có màu xanh nhạt hay xanh ánh đỏ, một đám da ở họng có màu xanh phớt tím. Trọng lượng của chúng chỉ từ 1,2 – 1,5 kg. Trong khi đó, đặc trưng nổi bật nhất của Hồng hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và cân nặng 2,15 – 4 kg.

Theo công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trong khi Hồng hoàng quý hiếm hơn thì nằm ở mục I là nhóm loài bị đe doạ tuyệt chủng do săn bắt hoặc buôn bán thì Cao cát nằm ở mục II, là những loài mặc dù hiện chưa bị đe doạ nghiêm trọng nhưng vẫn có nguy cơ tuyệt chủng nếu việc buôn bán các mẫu vật của loài này không tuân theo những quy chế nghiêm ngặt, nhằm tránh việc sử dụng không phù hợp với sự tồn tại của chúng.

Vì chưa phải là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Cao cát vẫn có thể được nuôi để làm cảnh và làm thịt nếu được cấp phép.

Hiện vẫn chưa rõ 2 con Cao cát mà người đàn ông chia sẻ trên facebook có nguồn gốc hoang dã hay được nuôi thương mại nên chưa thể kết luận được về hành vi này.